Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di

nham trà đại hồng bào

Trà Đại Hồng Bào là một trong những dòng trà Ô Long nổi tiếng nhất trong lịch sử. Không chỉ nổi tiếng. Mà loại trà này còn cực kỳ đắt đỏ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về loại trà này trong bài viết sau nhé.

TRÀ ĐẠI HỒNG BÀO LÀ GÌ?

Trà Đại Hồng Bào là một loại nham trà đến từ một vùng trà rất nổi tiếng của Trung Quốc, đó là Vũ Di. Đây là một dãy núi nằm ở phía Bắc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Nơi đây có một nhóm trà ngon nằm trong Thập Đại Danh Trà có tên nham trà. Và Đại Hồng Bào là loại nham trà được biết đến nhiều nhất ở Vũ Di.

Từ “nham” ở đây có thể hiểu núi đá cao chót vót. Nham trà là loại trà làm từ những cây trà móc len lỏi giữa triền núi, vách núi hay mỏm núi ở Vũ Di. Khi người dân hái những lá trà này thì họ sẽ chế biến thành trà Ô Long lên men cao. Nên nham trà có thể gọi là “trà Ô Long núi đá” hay Rock Oolong Tea theo tiếng Anh. Nhưng theo mình thì cứ gọi “nham trà” vẫn là gọn gàng và hay nhất.

Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di 6

Nhờ vào địa hình cũng như vi khí hậu riêng biệt. Nên nham trà cũng có những hương vị đặc trưng. Bao gồm hương khói, hương hoa, gia vị, mật ong hay trái cây khô. Nhưng nhiều loại trà đến từ những nơi khác cũng có vị này. Cái độc nhất của riêng nham trà và của riêng Vũ Di đó là “nham vận” . Đó là một vị khoáng rất khó tả. Nó nhân nhẩn và tê tê kích thích vị giác.

Người mới tập uống trà thì sẽ thấy hơi khó uống. Vì nham trà không dịu không ngọt như một số loại trà Ô Long khác. Nhưng nghiện trà rồi thì lâu lâu phải làm ấm cho bõ thèm.

Ở Vũ Di có nhiều loại nham trà làm từ những giống trà khác nhau. Bên cạnh Đại Hồng Bào thì còn có Thuỷ Tiên, Nhục Quế… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn luôn là trà Đại Hồng Bào.

Độ nổi tiếng của Đại Hồng Bào còn lất át luôn các loại trà nham trà khác. Ở Trung Quốc thì nhiều nơi là cứ nham trà là họ gọi luôn là trà Đại Hồng Bào. Người bán lẫn người mua theo kiểu phổ thông đều gọi một tên vậy. Nhưng sự thật là Đại Hồng Bào chỉ là một trong số nhiều loại nham trà của Vũ Di.

CÁC LOẠI TRÀ ĐẠI HỒNG BÀO

Bắc Đẩu Nhất Hào

Có lần báo chí đưa tin là khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. Thì Chủ Tịch của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình có mời trà Đại Hồng Bào. Thì trên mạng nhiều báo đưa tin là trà mà hai vị lãnh đạo uống có giá đến 30 tỷ đồng cho 1kg trà.

Vì các nguồn cho hay là đây là loại Đại Hồng Bào được thu hoạch từ 6 cây trà Đại Hồng Bào “mẹ”. Và đang được nhà nước Trung Quốc bảo tồn.

Vào năm 2002 thì việc thu hoạch 6 cây trà “mẹ” này bị cấm hoàn toàn. Thế nên những mẻ trà còn sót lại có giá vô cùng đắt đỏ. Tin đồn là 20 gram trà này có giá lên đến 20 nghìn đô. Tức là 1kg trà này có giá 1 triệu đô. Và tương tương với khoảng 30 tỷ đồng.

Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di 7

Những cây này hiện nay đang được bảo tồn và cấm thu hái. Còn việc 6 cây trà này có được thu hái lén lút và làm thành trà để phục vụ lãnh đạo hay không thì chả ai biết được. Chỉ có cô trà nương chuẩn bị trà và pha trà trong cuộc gặp của hai vị này mới biết được nguồn gốc trà ra sao.

Xem thêm:  Trà Đơn Tùng Phượng Hoàng: Danh Trà Từ Triều Châu

Theo mình “hóng hớt” được thì trà trong tiệc trà của hai vị lãnh đạo không phải là từ 6 cây trà “mẹ”. Mà là từ vườn trà hậu duệ của 6 cây trà mẹ kể trên.

Đâu đó vào những năm 1970s thì có một người nông dân đã cắt trộm cành của 6 cây trà “mẹ”. Và từ đó đến nay thì số lượng cây trà cũng khá nhiều.

Từ những cây F1 gọi là “Bắc Đẩu Nhất Hào” lại cho ra những cây F2 và F3. Và tất nhiên là hệ F1 cũng được xem là chuẩn Đại Hồng Bào nhất. Còn thế hệ sau cũng được xem là kém hơn.

Mình cũng đã từng thử qua loại này. Nhớ không lầm là F2 gì đấy. Chỉ nhớ là trà có hương hoa mộc, trần bì, nham vận khá rõ, hậu cũng kéo dài. Nói chung là ngon. Nhưng nếu nói về sở thích cá nhân. Thì mình thích trà phối hơn.

Trà phối

Bên cạnh những cây trà con hậu duệ của 6 cây trà mẹ. Thì trà Đại Hồng Bào còn được tạo nên bằng cách phối những giống trà ngon ở Vũ Di.

Ở Vũ Di thì giống trà các nhà khoa học thống kê chính thức đã lên hàng trăm. Nhưng được biết đến nhiều thì sẽ có: Thiết La Hán, Thuỷ Kim Quy, Nhục Quế, Bạch Kê Quan, Thuỷ Tiên, Bách Thuỵ Hương…

Nhiều người làm trà ở Vũ Di sẽ phối một số loại trà ngon kể trên lại với nhau. Tạo nên một dạng blend riêng và đặt tên là Đại Hồng Bào. Có khi là 2 loại với nhau. Có khi là cả 10 loại.

Nhưng bản phối hay gặp nhất là Thuỷ Tiên phối với Nhục Quế. Ở Vũ Di có câu là muốn uống ngọt thì uống Thuỷ Tiên. Còn muốn uống thơm thì uống Nhục Quế.

Do Thuỷ Tiên là cây trà thân cao. Nên lá trà Thuỷ Tiên thường sẽ to và dài. Còn Nhục Quế thì dạng bụi. Lá cỡ sẽ nhỏ hơn lá trà Thuỷ Tiên. Nên khi xem bã trà mà bạn thấy có nhóm lá to và lá nhỏ thì đây chính là cách phối như thế này.

Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di 8

Còn một cách bán Đại Hồng Bào khác đó là không cần phối. Mà họ chọn một lô trà ngon nhất năm đó và gọi là Đại Hồng Bào luôn.

Chẳng hạn năm 2020 thì nhà anh A làm được lô trà từ giống Thuỷ Tiên ngon xuất sắc so với mọi năm. Vì thời tiết thuận lợi nên lô trà giống Thuỷ Tiên đó ngon. Nham vận rồi hương hoa hay trái cây đều đầy đủ và tròn trịa. Thì người làm trà họ không cần phối trộn, mà đóng gói luôn lô trà này và bán dưới tên Đại Hồng Bào luôn.

Chính vì rắc rối như vậy nên cùng là trà Đại Hồng Bào nên khi mua ở mỗi tiệm lại mỗi vị khác nhau. Vì mỗi tiệm lại được cung cấp bởi gia đình làm trà hay nghệ nhân khác nhau.

Để biết trà phối hay không thì bạn chỉ cần nhìn bã. Bã trà phối thường có màu đậm nhạt khác nhau. Lá trà cũng có kích thước khác nhau. Ví dụ như lá trà Thuỷ Tiên thường sẽ to và dày. Vì cây trà Thuỷ Tiên có cao bằng hơn cả chiều cao người lớn. Nếu bã Đại Hồng Bào có lá dạng này thì chúng ta cũng biết được người làm trà có dùng Thuỷ Tiên khi phối.

PHÂN HẠNG TRÀ ĐẠI HỒNG BÀO

Khi đi mua trà Đại Hồng Bào ở Việt Nam thì giá nào cũng có. Tầm trên dưới 200 nghìn cũng là Đại Hồng Bào. Rồi cao hơn là trên 1 triệu rồi đến vài chục triệu đồng cũng có.

Xem thêm:  Mẹ Bầu Uống Trà Ô Long Được Không?

Mình đã từng được mời uống một loại nham trà Nhục Quế có giá gần 30 triệu cho một lon nhỏ 100g. Bạn có thể sẽ nghĩ là người bán không bình thường và mua cũng có vấn đề nốt. Nhưng khi xét nhiều yếu tố về chất, cung cầu, hoàn cảnh lẫn giá trị cảm xúc. Thì số tiền lớn như vậy cũng không hề lạ.

Trong phần này mình sẽ không liệt kê chi tiết. Mà phân nhóm trà để bạn hiểu tại sao bạn có thể mua vài trăm nghìn thì vẫn có Đại Hồng Bào. Rồi lên tiền triệu cũng có.

Ngoại Sơn

Ngoại Sơn có nghĩa bên ngoài núi. Thì y như tên gọi của mình thì đây là những vườn trà ở gần nhưng không hề thuộc địa phận núi Vũ Di. Ở

những vườn này thì họ trồng chủ yếu là nhóm trà dạng bụi và hợp thành vườn lớn thoai thoải theo đồi thấp.

Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di 9

Độ cao thấp cộng với vi khí hậu không như ở núi Vũ Di. Thế nên trà ở những nơi này không có gì gọi “nham vận” cả. Trà sau khi chế biến được hun khói rất nhiều. Thế nên hương vị phần lớn chỉ là vị khói, đường cháy và hơi ngòn ngọt.

Do có một thời gian trà Đại Hồng bào gây sốt. Thế nên không ít người “đu trend” và đầu tư rất nhiều vào những vườn trà kiểu này. Phần lớn trà Đại Hồng Bào giá rẻ có trên thị trường sẽ đến từ những vườn như thế này.

Đây chính là loại nham trà mà mình uống khi lần đầu nghe tới Đại Hồng Bào. Chính loại trà Ngoại Sơn này cho mình một ấn tượng đó là nham trà không hề ngon như mình tưởng.

Cho đến khi mình được uống nham trà thật sự.

Chánh Nham

Nếu muốn uống trà Đại Hồng Bào ngon thì bạn nên tìm mua loại “bên trong núi”. Vì đây mới chính là nham trà chính hiệu. Phần lớn trà ở trong núi cũng được trồng bởi bàn tay con người. Chỉ một số rất ít là mọc hoang.

Vườn trà cũng chỉ là những khoanh đất nhỏ men theo triền núi. Vườn này cũng cách vườn kia một khoảng nhất định chứ không san sát nhau. Để làm sao các vườn đều có đủ không gian lẫn chất dinh dưỡng đến từ đất và nước.

Cây trà không chỉ trồng men theo vách núi, mà còn được trồng lẫn cây trồng khác. Tạo nên môi trường sinh trưởng tự nhiên nhất có thể.

Trà Đại Hồng Bào: Đệ Nhất Nham Trà Vũ Di 10

Tuy nhiên, Vũ Di còn là điểm du lịch nổi tiếng. Chính vì vậy nên hàng năm cũng có một lượng lớn du khách đến thăm nơi này. Và tất nhiên thì những vườn để tham quan cũng sẽ không tốt bằng vườn chuyên để làm trà ở khu vực hẻo lánh hơn.

Chính vì vậy nên không phải cứ trà thật sự là Chánh Nham là đều chất lượng như nhau. Việc này phụ thuộc vào nơi cây trà sinh trưởng và cả yếu tố con người.

Cây trà sẽ chỉ được thu hoạch một năm một lần. Trà sẽ được hái bằng tay, còn chế biến thì hoàn toàn bằng tay hoặc có dùng thêm máy.

Theo kinh nghiêm của mình thì trà chế biến dùng máy sẽ có cánh rất đều và đẹp. Còn trà chế biến bằng tay thì hơi xấu. Nhưng ngộ là cánh nhìn có vẻ xấu thì hương vị lại tốt hơn.

Tuỳ theo loại nham trà thì sẽ được hun khói hay không. Loại trà Đại Hồng Bào mà mình hay uống thường được hun khói nhẹ. Sau đó được trữ tối thiểu 6 tháng rồi mới bán ra thị trường. Thế nên hương khói rất nhẹ và tô điểm thêm hương vị phức tạp của trà.

Xem thêm:  Trà Ô Long: Lịch Sử & Các Loại Trà Olong

Ở Vũ Di thì họ phân khu vực chi tiết hơn. Lấy khu vực bên trong núi làm tâm. Thì từ Chánh Nham đến Ngoại Sơn còn 2-3 vòng khu vực nữa.

Có nghĩa là Chánh Nham sẽ là giá cao nhất rồi đến vài khu vực xa núi hơn sẽ rẻ hơn một chút. Và đứng bét là trà của Ngoại Sơn. Nhưng trong bài này thì mình không nêu hết từng khu cho ngắn ngọn dễ hiểu.

Và trong Chánh Nham còn có những khu vực “đặc biệt” hơn nữa. Và loại nham trà có giá đến 30 triệu cho 100g đến từ những khu vực “đặc biệt” này. Nhưng đây sẽ là nội dung cho bài viết về nham trà khác.

CÁCH PHA TRÀ ĐẠI HỒNG BÀO

Vào mấy năm trước thì cả mình lẫn anh chị trong nhóm yêu trà đều pha trà Đại Hồng bào theo kiểu riêng. Giống như pha hết thảy các loại trà khác.

Tức là kiểu dùng khoảng 5g trà cho 150ml nước. Thế là cứ tráng trà. Rồi hãm độ chục giây rồi rót ra pha. Mấy nước sau thì cứ thêm giây rồi hãm cho đến khi nhạt trà thì thôi.

Đến khi có một chị bạn mình mời một bạn nữ làm trà ở Vũ Di sang Việt Nam chơi. Chị bạn mình mê nham trà lắm nên đài thọ cho họ sang Việt Nam chia sẻ kiến thức chuẩn với lại giúp họ quảng bá sản phẩm luôn.

Chuyện kể là khi chị bạn mình pha nham trà cho họ uống thì họ mới bảo là chị pha không chuẩn. Tức là dùng quá nhiều nước cho trà. Và tỷ lệ đúng phải như sau.

Tỷ lệ nên dùng là khoảng 1g trà cho 10ml nước. Không tráng trà. Nước một là rót nước sôi vào rồi đổ ra uống luôn. Không hãm. Các nước tiếp theo cũng y như vậy. Cứ rót nước vào đổ ra uống luôn. Đến khi thấy nhạt trà mới thêm giây để hãm.

Ban đầu thì ai cũng hoài nghi, trong đó có mình. Vì theo nguyên lý mà mình luôn tin là phải có không gian để lá trà “cựa quậy”. Mà 1g trà cho 10ml vừa quá thiếu không gian mà trà sẽ rất đậm.

Trà pha ra đúng là đậm. Nhưng hương vị lại cực kỳ cô đặc và dày. Kiểu như espresso bên cà phê vậy. Nham vận rõ ràng nhưng không phải kiểu lấn át. Vẫn thấy ngọt, vẫn hương hoa, gia vị và vẫn thấy trái cây rất đầy đủ.

Thế là bà con ai cũng ráng sắm cho mình một cái ấm tử sa dung tích thật nhỏ để độc ẩm nham trà. Mà ấm tử sa làm được nhỏ thì cũng hiếm và không hề rẻ.

Bản thân mình thì cũng sắm một cái ấm tầm 60ml. Hình trái bí. Mỗi lần pha thì mình dùng khoảng 6-7g trà nhét cho đầy ấm. Nói vui là mỗi lần pha trà giống như nhồi thịt cho quả bí để nấu canh vậy.

Mỗi lần uống mình uống tầm 3-4 nước mà thôi. Uống kiểu cô đọng vậy thì không cần uống hết chất trà. Với lại uống hết cả tuần trà thì hơi say và ngấy. Xong rồi mình lại cất cả ấm và trà vào tủ lạnh. Hôm sau lại uống tầm 5-6 nước cho kiệt chất trà là được.

Từ khi chuyển qua cách uống này thì thấy cách uống cũ nó hơi nhạt. Và không đủ độ “phê”. Mà ngộ cái là chỉ nham trà thì mình áp dụng cách pha này được. Còn những loại trà khác thì sẽ luôn có một hương vị nào đó nó lấn át hẳn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *