TRÀ Ô LONG LÀ GÌ?
Trà ô long là một loại trà lên men được làm từ lá của cây trà. Cũng như trà xanh hay trà đen thì ô long cũng được làm từ lá của cây trà hay camellia sinensis.
Vê cơ bản, thì từ cùng một cây trà thì chúng ta có thể làm ra những loại trà khác nhau. Và từ lá của cây trà thì chúng ta có thể làm ra được: trà xanh, bạch trà, trà ô long hay trà đen.
Nói một cách hình tượng thì từ cùng một hạt gạo thì chúng ta có thể làm ra cơm, bún hay các loại bánh. Khác biệt là ở cách chế biến.
Và các loại trà cũng vậy. Từ cùng một lá trà thì chế biến khác nhau thì chúng ta sẽ có những loại trà khác nhau.
Như trà xanh là loại trà không lên men. Còn trà đen là loại trà được lên men.
Còn Ô Long cũng được lên men. Nhưng khác với trà đen được lên men 100%. Thì trà ô long được lên men một phần mà thôi. Khoảng từ 8 đến 70%.
Độ lên men từ 8 đến 70% là một khoảng rất lớn. Chính vì vậy nên cũng cùng là trà Ô Long nhưng lại có đến rất nhiều loại.
Và chúng ta sẽ tim hiểu về những nhóm trà ô long ở bên dưới.
NGUỒN GỐC TRÀ Ô LONG
Trà Ô Long là một loại trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cách làm Ô Long được phát minh ra ở tỉnh Phúc Kiến của nước này. Và Phúc Kiến cũng là nơi có những vùng trà ô long rất nổi tiếng.
Cái tên Ô Long được dịch ra có nghĩa là ‘rồng đen’. Vậy cái tên này bắt nguồn từ đâu?
Nếu đã từng uống ô long thì chắc hẳn bạn sẽ thấy một kiểu cánh trà ô long phổ biến đó là những viên trà nhỏ.
Kiểu trà ô long được vo viên này thực chất là cách làm trà ô long hiện đại. Cách làm này ra đời vào khoảng thế kỷ 19.
Còn khi mới ra đời thì trà Ô Long là nhóm trà được lên men cao. Nên cánh trà có màu nâu đen. Thay vì được vo viên thì cánh trà dài và thẳng.
Do hình dáng cánh trà giống như một con rồng màu đen. Nên trà cũng được gọi luôn là trà Ô Long.
Ngoài lý do kể trên thì còn có nhiều giả thuyết khác cho cái tên Ô Long. Có người cho rằng cái tên Ô Long chính là đặt theo hình dáng dãy núi Vũ Di Sơn. Một vùng trà nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Phúc Kiến.
Còn có người thì lại cho rằng Ô Long là tên của một người nông dân nào đó tên Long ở An Huy, vùng trà nằm ở phía Nam Phúc Kiến. Do lơ là lúc làm trà xanh nên anh để lá trà bị lên men quá nhiều. Và người đàn ông này đã vô tình khai sinh ra trà Ô Long.
LÊN MEN
Lên men là quá trình then chốt của quá trình làm ô long. Quá trình này có sự đóng góp rất lớn của oxy. Thế nên đôi khi quá trình lên men của trà có thể được gọi là quá trình oxy cũng có thể đúng.
Trà ô long là loại trà lên men một phần. Khoảng lên men của loại trà này là từ 10 cho đến 80%.
Vậy làm sao biết được độ lên men của lá trà ra sao? Độ lên men của lá trà được tính dựa trên hàm lượng catechin của lá trà thành phẩm so với hàm lượng catechin của lá trà tươi.
Lấy ví dụ là hàm lượng catechin của lá trà tươi là 100. Chúng ta lên men lá trà tươi để làm ô long. Lúc này oxy trong không khí sẽ chuyển hoá thành phần catechin.
Khi catechin mất đi khoảng 20 thì chúng ta không để lá trà lên men nữa. Và lúc này chúng ta có được trà ô long.
Chính vì có khoảng lên men lớn nên trà ô long có rất nhiều loại trà nổi tiếng khác nhau.
Nếu dùng độ lên men làm cách chia. Thì chúng ta có thể chia trà ô long thành 3 nhóm sau:
1. Nhóm lên men thấp: đây là nhóm trà ô long có độ lên men rơi vào khoảng 10 cho đến 30%. Đây là nhóm trà được xem là phổ biến nhất. Đây là cách làm hay thấy ở các vùng trà phía Nam Phúc Kiến, Đài Loan và Việt Nam.
2. Nhóm lên men vừa: đây là nhóm trà ô long có độ lên men rơi vào khoảng 30 cho đến 50%. Đây là độ lên men hay được áp dụng cho trà đến từ vùng trà của Quảng Đông. Hay nhóm trà Đông Đỉnh truyền thống của Đài Loan.
3. Nhóm lên men cao: đây là nhóm trà có độ lên men cao. Thế nên trà ô long ở nhóm này có hương vị gần giống như là hồng trà (trà đen). Vùng trà Vũ Di của Phúc Kiến rất nổi tiếng với nhóm trà này. Cả Đài Loan và Việt Nam cũng có một vài loại trà thuộc nhóm trà này.
VÙNG TRÀ
Dựa theo phong cách sản xuất trà ô long và độ nổi tiếng. Thì vùng trà ô long được chia theo 4 nhóm sau:
- Mân Bắc – phía Bắc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc
- Mân Nam – phía Nam tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc
- Quảng Đông – tỉnh giáp với Phúc Kiến
- Đài Loan
Mân Bắc
Mân là tên gọi tắt của tỉnh Phúc Kiến. Nơi đây là cái nôi của những vùng trà ô long cực kỳ nổi tiếng.
Đầu tiên phải kể đến dãy núi Vũ Di ở phía Bắc tỉnh Phúc Kiến. Nơi đây nổi tiếng với một nhóm trà ô long lên men cao có tên là nham trà hay trà ô long núi đá.
Đối với nhiều người thì nham trà không hẳn là trà ô long nữa mà là một nhóm trà riêng. Lý do là hương vị của nham trà quá khác biệt.
Nhờ vào điều kiện tự nhiên là đá núi lửa và hoả sinh. Cây trà mọc xen lẫn giữa các triền núi đá cheo leo. Cùng với kỹ thuật làm trà hun khói truyền thống.
Những điều này khiến cho nham trà là một trong những loại trà có hương vị phức tạp nhất. Hương vị cay gia vị, khoáng, mật ngọt đan xen vào nhau.
Một số loại ô long tiêu biểu ở nơi đây:
- Đại Hồng Bào
- Nhục Quế
- Thuỷ Tiên
- Hoàng Mai Côi
- Bách Thuỵ Hương


Mân Nam
Đi xuống phía Nam của Phúc Kiến thì chúng ta có những vùng trà ô long nổi tiếng không kém.
Đặc biệt nhất chính là trà Thiết Quan Âm của An Khê. Loại ô long có thể được xem là nổi tiếng nhất hiện nay.

Ở An Khê còn có những loại trà nổi tiếng khác như Hoàng Kim Quế, Bổn Sơn hay Mao Giải.
Quảng Đông
Ngoài những vùng trà kể trên của Phúc Kiến. Thì núi Phượng Hoàng ở Quảng Đông cũng nổi tiếng với nhóm trà ô long Đơn Tùng.
Đơn Tùng ở đây có nghĩa là cây trà ở đây cây trà lớn nằm riêng lẻ, cùng một gốc trà sinh ra rất nhiều nhánh. Thay vì kiểu trà bụi được trồng sát nhau thường thấy.
Điểm đặc biệt của Đơn Tùng Phượng Hoàng đó là mùi hương. Mỗi loại trà ô long Đơn Tùng sẽ phảng phất hương gần giống một loài hoa, trái cây hay thảo mộc nào đó.
Đài Loan
Do ở gần với cả Phúc Kiến lẫn Quảng Đông, nên nhiều người làm trà ở 2 tỉnh này đã vượt biển và trồng trà ở Đài Loan từ rất xưa.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ cách làm trà của đại lục. Thế nhưng Đài Loan vẫn có những nét rất riêng với nhiều loại trà ô long với độ lên men khác nhau.
Lên men thấp thì có Bao Chủng và Cao Sơn. Trà Cao Sơn hay núi cao bao gồm những núi trà nổi tiếng từ Đại Vũ Lĩnh cho đến Lý Sơn rồi A Lý Sơn.

Lên men vừa thì có Đông Đỉnh và Thiết Quan Âm. Thiết Quan Âm của Đài Loan thường được làm từ giống trà Kim Huyên do nước này tự nghiên cứu. Chứ không giống loại trà cùng tên ở Phúc Kiến.
Lên men cao thì có Đông Phương Mỹ Nhân, Quý Phi, Champagne hay Ngũ Sắc.
TRÀ Ô LONG CỦA VIỆT NAM
Trà ô long ở nước ta đi theo mô hình gần giống như trà Đài Loan. Vì thời gian trước nhiều nhóm người trồng trà Đài Loan đã đến Việt Nam và đầu tư phát triển kỹ thuật làm ô long ở Lâm Đồng. Hay gần đây còn có Sơn La, Lào Cai và Lai Châu.

Các giống trà nổi tiếng của Việt Nam có thể kể đến cây trà ta bản địa. Rồi những giống do Đài Loan phát triển như Kim Huyên và Tứ Quý.
Trà ô long ở Việt Nam phổ biến nhất là những loại trà lên men thấp mang phong cách trà núi cao hay Cao Sơn. Do gu của nhiều người Việt là vẫn thích uống trà không lên men hay lên men thấp.
Những loại trà lên men cao như Đông Phương Mỹ Nhân hay Quý Phi cũng đã được nhiều thương hiệu trà Việt làm ra.
Phần lớn trà ô long được sản xuất ở Việt Nam là xuất đi Đài Loan. Và rất nhiều trong số này được bán như là trà của Đài Loan.
Có một chuyện vui là vào năm 2017 thì đã có một người nông dân Đài Loan từng thắng giải bạc trong một cuộc thi đấu trà. Mà loại trà thắng giải của anh này là được trộn phần lớn là trà ô long của Việt Nam cùng một ít trà của Đài Loan. Xem thêm tại đây.
Điều này cho chúng ta thấy rằng trà ô long của nước ta có chất lượng thật sự tốt. Hoàn toàn có thể làm vừa lòng những người Việt yêu trà ô long.
CÁCH PHA TRÀ Ô LONG
Do trà ô long có quá nhiều loại. Thế nên cách pha trà ô long thường sẽ khác nhau một chút.
Cách để pha trà tốt nhất là bạn nên hỏi người bán cách pha. Nhất là những người chủ tiệm trà. Thì họ sẽ chỉ cho bạn cách pha trà ô long thích hợp nhất.
Ngoài ra thì bạn cũng có thể tự thí nghiệm để đưa ra cách pha hợp nhất với bản thân. Chẳng hạn như thay đổi nhiệt độ nước, loại nước pha, thời gian hãm hay chất liệu ấm.
Sau đây là một số kinh nghiệm nhỏ cho người chưa có kinh nghiệm pha ô long:
- Nước pha:dùng nước máy lọc qua màng lọc thường (than hoạt tính, sỏi, cát…). Hoặc nước đóng chai. Không dùng nướic lọc màng RO hoặc nước khoáng.
- Nhiệt độ nước pha: khoảng 85-90 độ C cho trà lên men thấp, và 90-100 độ C cho trà lên men cao.
- Phương thừc pha: nên pha trà theo phong cách Công Phu Trà. Vì cách pha này có nguồn gốc ở Phúc Kiến và Quảng Đông. Chuyên được dùng để pha trà ô long.
TÁC DỤNG CỦA TRÀ Ô LONG
Do là loại trà bán lên men nên trà ô long vừa có tác dụng giống như trà xanh lẫn hồng trà.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là trà ô long chỉ nên xem là thức uống để thưởng thức. Chứ không phải là thuốc để chữa bệnh.
Tác dụng của trà ô long bao gồm:
- Giảm cân
- Ngừa ung thư
- Chống oxy hoá
- Ngừa tăng đường huyết
- Kháng khuẩn
Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2212429218301172