Đối với trà xanh thì có 2 yếu tố chính tạo nên phẩm trà thượng hạng. Thứ nhất là mùa vụ hái trà. Trà xanh ngon nhất sẽ hái vào đầu vụ xuân. Và thứ hai chính là phân hạng lá trà. Lá trà càng non thì phẩm trà lại càng cao cấp.
Và sau đây là một số loại trà xanh thượng hạng ở những quốc gia Đông Á. Như Trung Quốc thì có đến hàng chục loại trà xanh thượng hạng. Nhưng trong bài viết này thì mình chỉ giới thiệu một loại trà từ mỗi quốc gia mà thôi.
TRÀ ĐINH – VIỆT NAM
Ở Việt Nam khi nhắc đến trà xanh thì phải nhắc đến vùng trà Thái Nguyên. Không phải tự nhiên mà dân gian có câu “Chè Thái, Gái Tuyên”.
Không ai biết câu nói này có từ bao giờ. Chỉ biết là vào năm 1935, trong một cuộc Đấu Xảo ở Hà Nội. Thì trà xanh của Tân Cương (một xã của Thái Nguyên) đã đánh bại hàng trăm loại trà khác để trở thành loại trà ngon nhất. Kể từ đấy thì thì dòng trà xanh đặc sản của Thái Nguyên luôn được xem là một trong những dòng trà xanh có chất lượng tốt nhất của Việt Nam.
Ở Thái Nguyên thì phẩm trà được phân hạng như sau:
- Trà Đinh
- Trà Nõn Tôm
- Trà Móc Câu
Trà Đinh là loại trà được làm hoàn toàn từ búp của cây trà. Cánh trà lúc còn tươi có hình dáng thẳng và cứng như chiếc đinh nên được gọi là Trà Đinh. Kiểu hái trà chỉ 100% trên thế giới gọi là “imperial pluck”. Để làm ra phân hạng trà cao cấp nhất “imperial grade” hay thượng hạng.
Để làm ra được 1kg trà đinh thì cần khoảng 10.000 cho đến 20.000 búp trà. Vậy nên cả chục người phải hái nhiều bãi trà khác nhau thì mới thu được lượng trà tươi để làm thành trà đinh.
Trà Đinh khi pha ra sẽ có một mùi béo ngậy của cốm nếp. Vị trà là sự kết hợp của vị ngon, vị bùi béo. Khi nuốt nước trà xong thì thấy ngòn ngọt ở trong miệng. Và miệng vẫn thơm lừng mùi trà.
GYOKURO – NHẬT BẢN
Trà Ngọc Lộ hay Gyokuro được xem là phân hạng trà cao cấp nhất trong các loại trà xanh nguyên lá ở Nhật Bản. Gyokuro được xem là loại trà có nhiều vị umami thuần khiết nhất.
Umami được xem là một trong 5 vị cơ bản. Bên cạnh mặn, ngọt, đắng và chua. Về cơ bản thì umami chính là vị ngon. Chẳng hạn như bạn luộc thịt gà đi. Bạn húp thử nước luộc gà thì cái vị ngon của nước dùng thịt gà đấy gọi là umami.
Ở Việt Nam thì chúng ta hay dùng từ “ngọt” để khen nước dùng ngon. Như hàng phở nào đấy có nước phở “ngọt” vì họ ninh nhiều xương để làm nước dùng. Từ “ngọt” ở đây không phải ngọt như vị đường. Mà “ngọt” đến từ nước hầm xương.
Vị umani được tạo ra bởi glutamate. Một dạng amino acid có nhiều trong các loại rau củ. Như rong biển, đậu nành, nấm, cà chua hay trà xanh. Còn thịt cá là động vật thì có nhiều vị ngon là chuyện đương nhiên.
Thế nên khi uống loại trà xanh cao cấp như Gyokuro thì chúng ta sẽ hay thấy vị ngon này. Tất cả các loại trà xanh cao cấp trong danh sách này đều có vị ngon. Kể cả Trà Đinh của Việt Nam cũng có vị này.
Gyokuro có nhiều vị umami là vì loại trà này có cách chăm sóc rất đặc biệt. Trước khi thu hoạch vài tuần thì vườn trà được che phủ bởi những tấm đan tre gọi là tana.
Mục đích của công đoạn này là hạn chế lá trà quang hợp. Khi không được quang hợp thì các thành phần amino acid trong đó có glutamate sẽ không bị chuyển hoá thành catechin – những nhóm chất chống oxy hoá. Nhờ vậy mà một lượng lớn glutamate sẽ được giữ trong lá trà. Vị trà không chỉ nhiều umami. Mà còn rất ít đắng chát vì hàm lượng catechin thấp.
Ngoài ra thì khi thiếu ánh sáng thì cây trà sẽ phải cố quang hợp bằng cách tạo ra nhiều chất diệp lục hơn. Nhờ vậy lá trà cũng sẽ nhiều chất diệp lục hơn. Trà thành phẩm sẽ có màu xanh ngọc đẹp mắt.
TRÀ TRÚC DIỆP THANH – TRUNG QUỐC
Trong số các loại trà xanh nổi tiếng của Trung Quốc. Thì đa số người uống trà sẽ biết Long Tỉnh, Mao Phong hay Bích Loa Xuân. Vì những loại trà này được xếp vào “Thập Đại Danh Trà” của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Trung Quốc có nhiều dòng trà xanh và vùng trà ngon mà ít được biết tới. Một trong số này là Tứ Xuyên
Khi nhắc đến Tứ Xuyên thì chúng ta hay nhắc đến thức ăn cay. Ớt hay tiêu của Tứ Xuyên thì quá nổi tiếng. Nhưng ít ai biết là Tứ Xuyên cũng có làm trà.
Họ có nhiều dòng trà xanh ngon. Một trong số đó là Trúc Diệp Thanh ở Mông Đính. Mông Đính là một trong những vùng trà lâu đời ở Trung Quốc. Trong giai đoạn nhà Đường khi kiểu “Cống Trà” còn đang thịnh hành. Thì trà đến từ Mông Đính là một trong những vùng trà tiếng tăm của Trung Quốc.
Ở núi Mông Đính còn có 2 dòng trà xanh cũng rất ngon là Cam Lộ và Thạch Hoa. Trúc Diệp Thanh có ý nghĩa là “lá trúc xanh”. Vì hình dáng lá trà tựa như lá cây trúc vậy. Ngoài ra thì ở Trung Quốc thì cây trúc tượng trưng cho người quân tử. Nên hình tượng đẹp như thế này được đặt cho tên trà cũng đúng thôi.

Mình là đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm trà ở Thái Nguyên. Ngoài ra mình còn là “con nghiện trà” và rất thích mày mò tìm tòi về trà. Nếu có thắc mắc nào cần giải đáp về trà thì bạn có thể nhắn mình qua Zalo: 0867786079.