Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ

Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ 4

Có bao giờ bạn mua bánh trà Phổ Nhĩ từ cửa hàng trà. Bạn hy vọng là sau một thời gian thì bánh trà sẽ ngon hơn. Nhưng đến một thời điểm thì bạn nhận ra là trà thậm chí không ngon hơn. Mà hương vị thậm chí còn thua cả lúc ban đầu bạn mua về nữa.

Hoặc một trường hợp khác là bạn mua bánh trà Phổ Nhĩ vừa mới sản xuất. Trữ vài năm thì bạn lôi ra dùng. Trà uống cũng ổn. Nhưng cùng bánh trà giống như vậy thì ở nhà bạn trà của bạn lại thơm ngon hơn.

Lý do là đâu? Đó là vì bạn trữ trà Phổ Nhĩ không thật sự đúng cách.

Nếu bạn có khả năng tài chính tốt và lười thì không cần quá bận tâm. Cứ mua bánh trà lâu năm về dùng. Vừa không phải đợi, lại có trà uống ngay. Chuyện trà có được trữ tốt hay không thì hãy an tâm vì người bán trà Phổ Nhĩ đã có kinh nghiệm bảo quản rồi. Còn nếu bạn thích mua bánh trà mới về trữ vì đó là một thú vui, lại vừa tiết kiệm. Thì hướng dẫn cơ bản về trữ trà Phổ Nhĩ sau là dành cho bạn.

Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ

Thoáng khí

Để bảo quản tốt trà Phổ Nhĩ. Và khiến bánh trà mới ‘chín’ thật tốt thì bạn phải ghi nhớ từ khóa này. Đó là ‘thoáng’.

Thoáng là sao? Thoáng là trà nên được bảo quản ở nơi thoáng nhất có thể. Tức là nơi có không khí lưu thông liên tục. Vì trà Phổ Nhĩ cần oxy lẫn vi sinh vật có trong không khí để ‘hậu lên men’ một cách tốt nhất.

Các mẫu nhà hộp mới hiện nay thường có giếng trời. Giếng trời giúp lấy gió từ trên xuống dưới. Qua đó giúp cả nhà thoáng mát hơn. Thế nên bạn có thể làm một chiếc kệ để trà ở gần nơi có hướng gió từ cửa sổ trời thổi xuống. Khi để nơi thoáng gió nhất trong nhà thì bánh trà sẽ ‘chín’ rất tốt.

Để trà ở gần nơi có cửa sổ trời thổi gió xuống còn có một lợi ích khác. Đó là cửa sổ trời thường được đặt ở chính giữa nhà. Mà giữa nhà thường là nơi có nhiệt độ thay đổi ít nhất trong suốt một ngày. Vì nhà bạn dù hướng nào đi chăng nữa thì những phòng ở phía trước hoặc phía sau cũng sẽ nóng nhất vào ban ngày. Chỉ có giữa nhà nơi có nhiệt độ ổn định nhất.

Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ 5

Khi để trà lên kệ thì cũng cần có một lưu ý nữa. Đó là bạn không nên để bánh này chồng lên bánh kia. Vì việc này sẽ hạn chế mặt tiếp xúc của bánh trà với không khí. Bạn hãy nên mua những chiếc kệ trưng trà Phổ Nhĩ bằng gỗ hay bán ở các cửa hàng trà. Thường thì các cửa hàng bán trà Phổ Nhĩ thì họ cũng hay để như vậy. Khi để bánh trà lên kệ trưng thì sẽ khiến toàn bộ bánh trà được tiếp xúc với không khí. Toàn bộ bánh sẽ ‘chín’ đều và có hương vị không thay đổi cho dù bạn có lấy trà ở góc nào của bánh đi chăng nữa. Ngoài ra thì nếu bánh trà có giấy bọc đẹp thì những bánh trà này cũng là vật trang trí tuyệt vời.

Khi để lên kệ thì cũng không nên để bánh này sát bánh kia. Mỗi bánh nên cách nhau vài cm là được. Khi làm những thứ vừa nêu thì chúng ta sẽ khiến bánh trà có môi trường ‘thoáng’ nhất có thể để có thể lên men một cách hoàn thiện nhất.

Độ ẩm

Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đó là điều mà ai cũng được học khi còn bé. Nhưng khí hậu ở miền Bắc lại khác miền Nam một chút. Ở miền Bắc thì bốn mùa rõ ràng hơn. Còn miền Nam thì chỉ có 2 mùa, đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thì rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 11. Còn mùa khô thì khoảng tháng 11 đến tháng 4. Nhìn chung thì độ ẩm nước ta khá cao, nhưng mùa khô thì độ ẩm ít đi một chút.

Một trong những sai lầm của chính bản thân mình khi bắt đầu trữ trà Phổ Nhĩ đó là bánh mua về rất thơm. Lá trà khi bóc ra rất giòn và cứng. Nhưng trữ một thời gian thì không còn thơm như trước nữa. Lá trà thì bị ỉu chứ không còn khô và giòn nữa. Và tất nhiên là trà sẽ không còn được ngon nữa.

trà phổ nhĩ

Độ ẩm tốt nhất để trữ trà Phổ Nhĩ theo mình được biết nên là khoảng 70%. Cao hơn hoặc thấp hơn một chút cũng không sao. Cao hơn thì vẫn tốt hơn thì Phổ Nhĩ cần ẩm để lên men. Nhưng không nên để quá 80 hay 85%.

Độ ẩm vào mùa khô thì khá lý tưởng để trữ trà Phổ Nhĩ. Vì ban ngày thì độ ẩm khoảng 70% còn vào ban đêm chỉ khoảng 80% mà thôi. Nhưng mùa mưa thì lại là một vấn đề khác. Thường thì khoảng trên 90%.

Để hạn chế trà quá ẩm thì bạn nên trang bị kính cho kệ. Khi đến mùa mưa thì chỉ cần khép hờ kính lại là độ ẩm bên trong sẽ giảm xuống đáng kể. Cần thiết hơn thì có thể cho thêm vài túi hút ẩm. Nhưng lưu ý là để túi hút ẩm vừa phải thôi vì quá khô sẽ khiến quá trình trà lên men bị chững lại. Thế nên chúng ta sẽ vừa mất công lại vừa mất thời gian mà lại không có kết quả gì.

Đối với nhà lầu thì thường tầng trệt sẽ thường có độ ẩm cao hơn. Còn tầng cao sẽ có độ ẩm ít hơn. Do vậy nên bạn có thể chọn nơi trữ trà phù hợp. Đối với căn hộ chung cư cũng vậy. Nếu bạn ở tầng cao hơn thì độ ẩm sẽ ít hơn. Cho nên bạn cũng nên lưu ý để có phương án trữ trà phù hợp.

Bạn có thể mua những chiếc đồng hồ đo độ ẩm và nhiệt độ được bán rất nhiều trên mạng. Những trang thương mại điện tử như Shopee hay Lazada gì đều có. Việc này giúp chúng ta dễ dàng theo dõi được độ ẩm cũng như nhiệt độ của nơi bảo quản trà.

Nhiệt Độ

Trữ trà Phổ Nhĩ không những thoáng mà còn phải mát nữa. Vì môi trường quá nóng hay quá ẩm thì vi khuẩn sẽ phát triển quá mạnh. Đúng là Phổ Nhĩ cần các vi sinh vật trong không khí để lên men. Thế nhưng quá nhanh cũng sẽ dẫn đến các nguy cơ như trà bị mốc.

Nếu nhà bạn phân ra nhiều khu thì nên chọn khu vực có nhiệt độ ổn định nhất trong suốt cả ngày. Thông thường thì chính giữa nhà là khu vực có nhiệt độ ổn định nhất. Lý do là vì nhà bạn có hướng nhà thế nào đi chăng nữa thì giữa nhà vẫn là nơi có nhiệt độ ổn định nhất. Như nhà hướng Tây thì mặt tiền nóng, còn nhà hướng Đông thì đuôi nhà lại nóng. Do vậy nên giữa nhà thường là nơi nhiệt độ vừa mát lại vừa ổn định trong suốt một ngày.

Mùi

Nguyên tắc số 1 của việc trữ bất kỳ loại trà nào đó là tránh xa mọi thứ có mùi. Vì trà có khả năng hấp thụ mùi rất tốt. Và Phổ Nhĩ cũng vậy, bạn phải trữ ở nơi ít có mùi lạ nhất. Và nhất là tránh để thứ gì có mùi mạnh ở gần nơi trữ trà.

Sai lầm hay gặp khi trữ trà Phổ Nhĩ đó là trữ trà Phổ Nhĩ ‘sống’ và ‘chín’ cùng với nhau. Đây là sai lầm tai hại vì 2 loại trà có hương vị hoàn toàn khác nhau. Chưa kể bánh trà Phổ Nhĩ ‘chín’ còn mới sẽ còn mùi tanh từ quá trình ủ ướt lên men. Bạn chắc chắn sẽ không muốn bánh trà Phổ Nhĩ ‘sống’ còn thơm của mình hấp thụ mùi này.

Bánh trà ‘sống’ đã lên men một thời gian có thể để chung với bánh mới. Vì đôi khi có một số người muốn bánh mới hấp thụ một phần mùi hương của bánh đã có tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn không thích điều này. Thì hoàn toàn có thể để riêng. Ví dụ như dưới 5 tuổi để riêng. Từ 5-10 tuổi lại để nơi khác.

Phòng khách nhà bạn có thể sẽ là nơi trữ trà tốt. Vì đấy là nơi ít nặng mùi hơn so với nhà bếp hay phòng ngủ. Và nhớ là không nên trữ trà gần nhà vệ sinh.

Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ 6

Ánh sáng

Theo kinh nghiệm của mình thì ánh sáng thường sẽ có tác động lên màu nước trà. Thường màu nước trà sẽ đậm hơn nếu lá trà tiếp xúc với ánh sáng trong một thời gian dài. Còn đối với Phổ Nhĩ thì có thể sẽ không có ảnh hưởng gì quá lớn. Vì bánh trà thường được gói bên trong một lớp giấy. Và bản thân mình cũng không thấy tài liệu nào cho thấy ánh sáng sẽ tác động xấu lên bánh trà Phổ Nhĩ.

Nếu không an tâm thì bạn hoàn toàn có thể trữ trà ở nơi nào thật tối hay ít ánh sáng. Vì khi xem hình những nơi trữ trà ở Hồng Kông hay Vân Nam thì mình thấy nơi trữ trà thường không có cửa sổ. Đèn cũng chỉ được thắp sáng khi người trông coi vào xem tiến độ lên men của trà mà thôi. Và mình nghĩ họ có lý do riêng để làm như vậy.