Uống trà xanh là thói quen đặc trưng của một số quốc gia Á Đông. Như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Việt Nam thì trà xanh cũng là loại trà được tiêu thụ nhiều bậc nhất.
Mình cũng là người làm trà xanh và thích uống trà xanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng uống được trà xanh của Việt Nam. Vì trà nước mình thường theo hướng đậm.
Thế nên sau đây là danh sách 10 loại trà xanh mà mình đã từng uống và thấy ngon. Đây cũng là những loại dễ tìm và dễ mua ở Việt Nam.
Lá Trà Xanh Tươi
Xuất hiện đầu tiên trong danh sách này thì bắt buộc phải là lá trà xanh tươi rồi. Vì đây là loại trà xanh quen thuộc và dễ mua nhất. Bạn có thể dễ dàng mua lá trà xanh tươi ở chợ hay siêu thị.
Người Việt mình thì thích đồ càng tươi càng tốt. Nên kể cả uống trà thì ngày xưa các cụ vẫn ưu tiên lá trà tươi.
Cây trà thì cũng dễ trồng. Mỗi lần uống trà thì cứ bốc nắm lá rồi hãm với nước rồi uống cả ngày. Vừa giải khát lại vừa đỡ nhạt mồm.
Về mặt hoá học thì lá trà tươi cũng sẽ chứa nhiều thành phần chống oxy hoá nhất. Vì sau khi chế biến thì lá trà khô sẽ mất đi khoảng 14% các hợp chất catechin.
Nên về cơ bản thì uống lá trà tươi sẽ có nhiều lợi ích cho sức khoẻ hơn khi so với lá trà khô.
Tuy nhiên, lá trà tươi khó bảo quản. Và thường là sẽ khó uống hơn lá trà khô. Nếu người uống quen rồi thì sẽ thấy bình thường.
Trà Xanh Thái Nguyên
Trà xanh Thái Nguyên là dòng trà xanh đặc sản của Thái Nguyên. Nhờ khí hậu cũng như thổ nhưỡng tốt. Nên dòng trà xanh của Thái Nguyên thường có hương vị ngậy béo đặc trưng và hậu ngọt kéo dài.
Không phải tự nhiên mà ca dao tục ngữ có câu “Chè Thái, Gái Tuyên”. Vì một khi đã nhắc đến trà ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến Trà Thái Nguyên.
Trà xanh Thái Nguyên còn được là Trà Bắc Thái. Hay ngắn gọn là Trà Bắc. Vì ngày xưa Thái Nguyên và Bắc Kạn là chung một tỉnh.
Thái Nguyên không phải là vùng trà nguyên liệu lớn. Hầu hết vườn trà nơi đây được canh tác theo mô hình hộ gia đình. Sản xuất quy mô nhỏ và thủ công.
Chứ không phải là nông trường trà rộng lớn theo quy mô công nghiệp như một số tỉnh khác. Thế nên sản lượng trà ở nơi đây không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu của cả nước.
Chính vì vậy nên phần lớn trà Thái Nguyên có trên thị trường là giả. Và VTV cũng đã từng đưa tin nhiều tin về vấn đề này. Trà giả vẫn được bán tràn lan ở hà Nội. Mặc dù tỉnh Thái Nguyên ở ngay sát bên thủ đô.
Co nên bạn cần nên mua trà của thương hiệu lớn và uy tín. Vì họ còn có danh tiếng và truyền thống để mà giữ. Để mà tồn tại lâu dài.
Trà Shan Tuyết
Trà Shan Tuyết là tên gọi chung của những dòng trà xanh được làm từ cây trà cổ thụ. Ở Việt Nam thì những vùng trà có nhiều cây trà cổ thụ phải kể đến Hà Giang, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái.
Có tài liệu cho thấy có thể những cây trà của Việt Nam là hậu duệ của những cây trà cổ đại và xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Vùng trà cổ đại này được tin là kéo dài từ phía Myanmar sang tận Đài Loan (trước khi trái đất ấm dần lên).
Cây trà cổ thụ cũng giống như tên gọi của mình thì có thể sống hàng trăm năm. Cứ trên 100 năm thì có thể xếp là Cổ Thụ. Còn dưới 100 năm thì chỉ là Đại Thụ mà thôi.
Cây cao hơn chục mét và gốc có thể mấy người ôm mới hết. Khi thu hái thì người đồng bào phải đứng trên cành để mà hái trà. Cây trong rừng thì càng cao hơn nữa. Phải có dụng cụ mới có thể trèo và thu hái được.
Tuy nhiên, việc xác định chính xác cây Cổ Thụ ở các vùng trà là cực kỳ khó. Vì nhiều người hay phóng đại tuổi của cây trà của mình. Người bán thì lại càng ủng hộ việc này để trà được giá.
Do là giống trà khác nên trà Shan Tuyết (thân gỗ và cao) sẽ khác với giống trà vườn như trà xanh Thái Nguyên. Trà Shan Tuyết thường sẽ có thêm một chút vị “khoáng” và hương hoa và gỗ.
Trà Sen
Trà sen là một thức trà nổi tiếng của Hà Nội. Trà sen của Tây Hồ là sự kết hợp của trà xanh và hoa sen mọc ở Hồ Tây.
Nói chung thì trà gì đem đi ướp hoa sen cũng được. Nhưng thường thì trà xanh và bạch trà là những dòng trà hay được ướp hương hoa nhất.
Trà sen cũng được xem là một trong những loại trà đắt nhất ở Việt Nam. Đắt không hẳn nằm ở phần cốt trà làm nên trà sen. Mà đắt nằm ở hoa và công làm nên loại trà này.
Cứ mỗi kg trà thì cần khoảng 2 lạng gạo sen để ướp. Mà để có được 2 lạng gạo sen thì cần đến hàng trăm bông sen. Tức là người làm trà phải hái hàng trăm bông sen, rồi kỳ công tách gạo sen của từng bông một.
Mà trà sen đâu phải cứ ướp một lần là xong. Mà phải ướp, rồi lại xao, rồi lại ướp tiếp như vậy. Thường thì cứ lặp đi lặp lại công đoạn này 3 lần. Có khi là nhiều hơn để hương sen ngấm thật sâu thật dày vào trong trà.
Thế nên trà sen loại ngon chuẩn thì ít nhất cũng phải vài triệu một ký. Còn ướp nhiều hoa và kỳ công hơn thì có khi phải lên cả chục triệu trở lên,
Ngoài ra thì còn có một kiểu ướp sen khác gọi là ướp sen xổi. Ướp xổi là kiểu ướp bằng cách cho trà thẳng vào bông sen rồi để qua đêm.
Cứ trà xanh Thái Nguyên loại ngon mà để lâu mất mùi. Là mình cứ mua hoa sen về để ướp trà sen xổi. Nhiều hoa quá thì cứ hút chân không rồi cất vào ngăn đông tủ lạnh. Lâu lâu có hứng lại lôi ra dùng dần.
Trà Lài
Trà lài có thể được xem là loại trà ướp hương phổ biến nhất tại Việt Nam. Loại trà này hay được dùng để làm trà đá và xuất hiện nhiều trong các món trà trái cây trong pha chế.
Nếu làm theo kiểu truyền thống thì để làm ra được một ký trà lài cũng sẽ rất cầu kỳ. Cho lần ướp đầu tiên thì phải sử dụng 1kg hoa lài tươi cho 1kg trà khô.
Trà khô được sử dụng ở đây thường sẽ là trà xanh. Trà xanh là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam. Thế nên thường thì trà xanh sẽ hay được dùng để ướp trà. Ngoài ra thì trà xanh cũng giòn và dễ hấp thụ hương hơn so với các loại trà lên men khác.
Để ướp trà thì người làm trà phải rải một lớp trà mỏng tầm 200g trà. Sau đó lại rải tầm 200g hoa nhài tươi lên trên. Lặp đi lặp lại cho hết phần trà và hoa.
Để trà và hoa như vậy qua đem thì cánh trà khô sẽ hút ẩm mang theo các phần tử mùi hương từ hoa. Qua đến ngày hôm sau thì lại tách lấy trà và bỏ hoa. Phần trà lại mang đi xao khô và ướp như vậy khoảng vài lần nữa là có trà lài thành phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay thì không dễ để kiếm được trà lài làm kiểu truyền thống với hương hoa tự nhiên kể trên. Hầu hết trà lài bán trên thị trường là loại trà ướp hương liệu.
Nếu ngại hương liệu thì bạn có thể tự mua trà xanh Thái Nguyên. Rồi tìm mua hoa lài tươi về tự ướp cũng được.
Hoặc bạn có thể tự trồng một cây hoa lài ở nhà. Lâu lâu lại hái tầm chục bông cho vào hũ đựng trà là cũng thơm lắm rồi. Không cần phải ướp cho cầu kỳ.
Matcha
Matcha hay bột trà xanh là một dạng trà xanh được thành phẩm dưới dạng bột. Đây là một dạng trà thuộc hàng cổ xưa nhất trong lịch sử trà.
Cách chế biến trà hiện đại thì đòi hỏi nhiều công đoạn. Nhưng đối với người xưa thì lá trà chỉ cần làm khô rồi sau đó ép lại thành bánh là đủ.
Mỗi lần uống thì lá trà được tách ra, nghiền thành bột rồi khuấy với nước sôi là có thể thưởng thức được rồi.
Matcha hiện đại thì được người Nhật bảo tồn và cải tiến cách chế biến đi rất nhiều. Thế nên chất lượng trà cũng rất cao. Khi nhắc đến matcha thì phải nhắc đến matcha Nhật Bản.
Matcha ở Nhật được chế biến rất cầu kỳ. Trước khi thu hoạch thì vườn trà sẽ được phủ một lớp lưới dày để tránh phần lớn ánh sáng mặt trời. Lúc này để có thể quang hợp thì lá trà buộc phải tiết nhiều chất diệp lục hơn.
Và trong giai đoạn này thì lá trà cũng chậm lớn hơn. Thế nên sau khi chế biến thì matcha có màu xanh rất non và tươi.
Ở Việt Nam thì bạn có thể mua matcha Nhật hay nguồn gốc Việt Nam về sử dụng. Có một điều cần lưu ý là matcha chuẩn Nhật thường sẽ có giá cao. Khoảng trên dưới 200 nghìn đồng một lạng. Thế nên thì hầu hết những loại matcha Nhật rẻ tiền (khoảng vài trăm nghìn cho 1kg) thì đều là đồ giả.
Sencha
Sencha là loại trà xanh phổ biến nhất ở Nhật Bản. Với khoảng 70% lượng trà xanh được sản xuất ở quốc gia này là sencha.
Ở Việt Nam thì sencha không được biết đến nhiều như matcha. Nhưng khi ở Nhật thì khi nhắc về “trà xanh” thì gần như là mặc định là nói về sencha. Và phần lớn các tiệm ăn ở Nhật khi phục vụ trà là họ sẽ pha sencha.
Khác với matcha thì sencha được trồng hoàn ở dưới ánh sáng mặt trời. Nên lá của sencha thường sẽ sẫm màu và có nhiều vị chát hơn. Lý do là lá trà có nhiều thời gian quang hợp để chuyển hoá các thành phần amino acid sang chất chống oxy hoá.
Sencha được làm theo phương pháp làm trà xanh truyền thống của Nhật. Nên sẽ được diệt men băng cách hấp. Nhờ vậy mà cánh trà khô sẽ màu xanh sẫm rất đẹp.
Vị của sencha cũng gần giống như trà xanh của Việt Nam. Chỉ khác là sẽ nhiều vị rong biển hơn
Trà Long Tỉnh
Trà Long Tỉnh được xem là loại trà xanh nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Loại Long Tỉnh hảo hạng nhất đến từ Tây Hồ, thuộc thành phố Chiết Giang (tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc).
Đợt thu hoạch trà Long Tỉnh đầu tiên của năm rơi vào khoảng thời gian trước lễ Tảo Mộ hay còn gọi là Minh Tiền. Dịp lễ Tảo Mộ này diễn ra vào tuần đầu của tháng Tư. Thế nên trà Long Tỉnh thường sẽ được hái trong khoảng tháng Ba.
Đợt thu hoạch trà đầu tiên sau một mùa đông dài sẽ khiến cho lá trà có chứa rất nhiều amino acid. Thế nên trà Long Tỉnh vào hái vào dịp này sẽ rất thơm ngon. Hương vị trà sẽ rất ngậy béo như hạt dẻ rang.
Khi chế biến Long Tỉnh thì người làm trà sẽ dùng tay ép và ma sát lá trà lên bề mặt chảo. Để tạo nên hình dạng cánh trà mỏng dẹp đặc trưng. Hiện nay thì phần lớn trà Long Tỉnh, kể cả loại cao cấp, cũng được chế biến và ép mỏng bằng máy.

Mình là đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm trà ở Thái Nguyên. Ngoài ra mình còn là “con nghiện trà” và rất thích mày mò tìm tòi về trà. Nếu có thắc mắc nào cần giải đáp về trà thì bạn có thể nhắn mình qua Zalo: 0867786079.